Nghiệm thu chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO

Sáng ngày 09 tháng 08 năm 2018, tại Phòng họp số 03 – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã tổ chức thẩm định chương trình đào tạo trình độ đại học theo phương pháp tiếp cận CDIO cho hai chuyên ngành Thiết kế tàu và Công trình ngoài khơi, Đóng tàu và Công trình ngoài khơi của khoa Đóng tàu.

Hội đồng thẩm định chương trình gồm có TS. Nguyễn Khắc Khiêm – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Nguyễn Đình Dương – Phó phòng Đào tạo, TS. Lê Minh Thụ - Viện Kỹ thuật Hải Quân, ThS. Nguyễn Trung Kiên – Phó giám đốc nhà máy đóng tàu Sơn Hải, TS. Phạm Văn Trung - Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Bộ.

ThS. Nguyễn Văn Võ trình bày trước Hội đồng nội dung chương trình đào tạo chuyên ngành Thiết kế tàu và Công trình ngoài khơi

Sau khi nghe đại diện Khoa Đóng tàu báo cáo kết quả xây dựng, điều chỉnh 02 chương trình, làm rõ những minh chứng để xây dựng chương trình, chỉ ra những ưu điểm của chương trình theo chuẩn CDIO so với chương trình đào tạo cũ, Hội đồng đã tiến hành thảo luận chi tiết nội dung từng khối kiến thức của chương trình.

ThS. Nguyễn Gia Thắng đưa ra những minh chứng để xây dựng chương trình đào tạo

Các thành viên Hội đồng đều nhấn mạnh sự khác biệt quan trọng khi xây dựng chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO là việc lựa chọn chuẩn đầu ra (CĐR) dựa trên sự tham gia của các bên liên quan (stakeholders), đặc biệt là các bên khách quan như sinh viên, cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, các cơ quan quản lý. Sự khách quan trong việc xây dựng CĐR là điều kiện cơ bản để có thể đảm bảo đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Công việc tiếp theo là xây dựng một chương trình đạo tạo với đầy đủ các hướng dẫn, công cụ nhằm đạt CĐR đã định nghĩa.

TS. Nguyễn Khắc Khiêm đưa ra những nhận xét đánh giá về nội dung chương trình

Hội đồng đã đánh giá cao chất lượng của 02 chương trình đào tạo được Khoa Đóng tàu xây dựng và nhận xét:

1. 02 chương trình được  xây dựng công phu, logic và khoa học để có thể chuyển hóa kiến thức thành các kỹ năng vận dụng được trong thực tiễn, thể hiện sự nghiêm túc của Khoa trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, chính trị.

2. Cấu trúc chương trình tuân thủ đúng qui định của Bộ Giáo dục & đào tạo, đảm bảo tính liên thông giữa các khối kiến thức và các ngành học, phù hợp với sự phát triển của Khoa và ngành Đóng tàu hiện nay.

3. Chương trình đáp ứng được chuẩn đầu ra, yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, giảm thời lượng kiến thức giáo dục đại cương, tăng thời lượng thực hành, thực tập nghề nghiệp.

4. Chương trình hướng tới giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi, đáp ứng nhu cầu của người tuyển dụng, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của Nhà trường và yêu cầu của Nhà sử dụng nguồn nhân lực.

Các thành viên trong Hội đồng đều đã nhất trí nghiệm thu 02 chương trình đào tạo của Khoa để sớm đưa vào áp dụng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đóng tàu. Điều này đã chứng tỏ sự quan tâm chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Ban chủ nhiệm Khoa, phát huy trí tuệ, nội lực của cán bộ, giảng viên, đưa chất lượng đào tạo ngày một nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.